Mục tiêu của hai bên Chiến_dịch_Thượng_Lào

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Hình thái chiến sự vào đầu năm 1953 có nhiều thay đổi, từ năm 1950 sau chiến dịch Biên Giới đã đánh dấu một sự chuyển biến lớn trong cục diện chiến tranh của Quân đội Nhân dân Việt Nam: chuyển từ thế phòng thủ sang thế chủ động tiến công. Quân đội Nhân dân Việt Nam có nhiều trưởng thành về tinh thần, chiến thuật, kỹ thuật. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh đủ các loại hình du kích, công kiên, vận động… mở các chiến dịch ở nhiều khu vực từ đồng bằng, trung du tới miền núi... Tình hình thế giới cũng có nhiều thuận lợi.

Song ngoài những ưu điểm, thuận lợi, Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng gặp khó khăn, tổn thất trong cuộc chiến với đối phương vượt trội cả về quân số và trang bị. Trước năm 1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở các chiến dịch nhưng đã không thu được kết quả mong đợi, Pháp mở chiến dịch Hòa Bình nhằm dành thế chủ động đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại. Tình thế chiến trường đang giằng co, lúc này phương châm tác chiến là vô cùng quan trọng. Trong báo cáo tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ngày 25/1/1953, sau khi nhận xét về tình hình thế giới và trong nước về những điều kiện thuận lợi còn nhấn mạnh về nhược điểm của Quân đội Nhân dân Việt Nam: "một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy… Về mặt chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự thì chúng ta phải "Tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu" để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực mở rộng vùng tự do. Đó là phương hướng chiến lược của ta năm nay."[1]

Căn cứ vào tình hình trên đây, phương hướng chiến lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam là nhằm phía Nam mà phát triển, tìm chỗ Pháp yếu mà đánh, bắt địch phải phân tán lực lượng để ứng phó, tạo dần điều kiện tiến tới giải phóng đồng bằng Bắc bộ. Hướng về phía Nam mà phát triển không có nghĩa là không đánh ở đồng bằng Bắc Bộ. Về vấn đề chỉ đạo chiến tranh, phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng là "trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, không chủ quan khinh địch, không nóng vội không mạo hiểm. Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn… về chiến lược ta lấy vận động chiến làm chính, nhưng vận động chiến cơ động, linh hoạt"[2]

Liên hiệp Pháp

Tại miền Thượng Lào, Sầm Nưa là cửa ngõ từ tây bắc Bắc Việt Nam sang. Dân tộc Mèo tại đó chuyên trồng thuốc phiện sinh sống một cách sung túc. Sầm Nưa cũng là tiền đồn của Cánh đồng Chum và tiền đồn của thủ đô Lào là Vạn Tượng (Luang Prabang).

Nếu Pháp thu phục được dân tộc Mèo để chống Quân đội Nhân dân Việt Nam trong khu vực đó, thì cũng là một lực lượng đáng kể, có thể gây rất nhiều khó khăn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tá Trinquier chỉ huy đoàn biệt kích dù hỗn hợp GCMA thuộc cơ quan phản gián SDECE được giao trách nhiệm tổ chức lực lượng biệt kích Mèo tại khu vực đó. Cơ quan này liền đề nghị với bộ Chỉ huy Pháp giao thiệp với Tù trưởng Mèo tên là Lý Phụng (Pháp gọi là Toubi) để mua hết số thuốc phiện do dân Mèo sản xuất, chở vào Chợ Lớn, Sài Gòn bán lấy lời dùng để chi phí tổ chức một toán quân biệt kích Mèo. Bộ chỉ huy Pháp thấy có lợi vì không phải bỏ tiền, mà mua chuộc được Tù trưởng và cả ngàn tay súng phụ lực. Trước kia, Nhà đoan Đông Dương do Pháp tổ chức vẫn mua tất cả thuốc phiện của dân Mèo về lọc, nấu thành chất lỏng, rồi đóng hộp bán cho dân nghiện dùng, nên viên tướng Chỉ huy trưởng đồng ý cho cơ quan GCMA thực hiện chương trình đó.

Những chuyến bay Dakota chở hàng tấn thuốc phiện sống, đóng trong những thùng cũ đựng đạn dược, từ Cánh đồng Chum bay tới Vũng Tàu, chuyển bằng xe hơi lên Sài Gòn giao cho người được Pháp uỷ nhiệm việc tiêu thụ. Sau đó nhờ những món tiền lời, hơn một ngàn quân biệt kích Mèo được tổ chức, dưới quyền chỉ huy của đại úy dù Desfarges và trung úy Brehier, có các hạ sĩ quan Quốc gia Việt Nam phụ trách việc Truyền tin. Đoàn quân này được huấn luyện và tổ chức thành từng toán 50 người hoặc 100 người, len lỏi trong rừng rậm tây bắc Bắc Việt Nam và Thượng Lào, dùng chiến thuật du kích, gây nhiều khó khăn cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phần lớn toán quân này về sau bị bỏ rơi khi Pháp rút quân khỏi Bắc Việt Nam năm 1954.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Thượng_Lào http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su/2012/... http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/chien... http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/dai-tuong-vo-nguy... http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-va... http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-t... http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-t... http://www.tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich... http://www.tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich... http://www.tuyengiao.vn/Home/Viet-Lao/Tu-lieu-lich... http://www.vietnamtk20.vn/index.php/devent/1790/Mo...